Hãy chăm sóc mẹ – Những con người mất nhau, những thế hệ lạc nhau

9/4/2019

Hãy chăm sóc mẹ – Những con người mất nhau, những thế hệ lạc nhau

Yên San avatar
Yên San

Tôi đưa cuốn sách cho mẹ. Mẹ hầu như không đọc sách bao giờ, thỉnh thoảng viết thơ vào một cuốn sổ bao gồm cả những ghi chép tiền chi tiêu và các thông tin liên quan đến sinh hoạt gia đình. Mẹ viết nhưng không bao giờ cho ai đọc, cũng chẳng ai trong nhà ngoại trừ tôi biết mẹ viết thơ. Mẹ thỉnh thoảng cũng đeo kính lão để đọc một bài báo nào đó do tôi viết, tạp chí về sức khỏe, thuốc men với vẻ rất nghiêm túc. Và mẹ cũng đọc cuốn sách với vẻ nghiêm túc, chăm chú y như vậy, từ đầu đến cuối.

Hãy chăm sóc mẹ của Shin Kyung-sook – một nữ nhà văn Hàn Quốc – là tên cuốn sách tôi đưa cho mẹ đọc. Khi cuốn sách mới ra mắt, tôi hầu như không chú ý đến nó lắm, ngoại trừ một ý nghĩ chợt hiện trong đầu rồi vụt tắt ngay sau đó: “Thì ra đây là một sản phẩm của văn hóa Hàn Quốc”. Bầu không khí của văn hóa nghe nhìn (ca nhạc, phim truyền hình), thời trang, mĩ phẩm Hàn Quốc… tràn ngập và “chiếm đoạt” không quan quanh tôi từ nhiêu năm nay. Đây có lẽ cũng là một sản phẩm nằm trong “chiến dịch” quảng bá văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Tôi hồ như không tin tưởng rằng mình sẽ tìm thấy một thế giới nào mới lạ cung cấp cho tôi một cách nhìn khác hơn về xứ sở Kim Chi. Nhưng, khi bắt đầu những dòng chữ đầu tiên, tôi đã bị cuốn ngay vào thế giới giản dị của câu chuyện với thông tin về một người mẹ đi lạc, chuyện anh chị em trong gia đình đổ lỗi cho nhau, cãi vã ỏm tỏi và cáu gắt trong lúc viết một tờ rơi đăng tìm người và con số tiền thưởng rất “đời” – năm triệu won cho ai tìm thấy người phụ nữ đi lạc.

Có lẽ, không phải một câu chuyện đặc biệt mới lạ.

Chuyện được kể từ ngôi kể thứ hai – một ngôi kể rất ít gặp trong kể chuyện – và bắt đầu bằng góc kể của cô con gái là nhà văn. Và tôi có chút bất ngờ khi sang phần tiếp theo, góc nhìn được tiếp tục luân chuyển sang người anh cả, rồi người chồng – người cha và cuối cùng câu chuyện kết thúc bằng sự lên tiếng của người mẹ đi lạc xưng “tôi”.

Kể về người phụ nữ đi lạc nhưng toàn bộ câu chuyện lại hoàn toàn thiếu vắng bóng dáng cụ thể của người mất tích ở thì hiện tại – có thể khác với những gì độc giả mong đợi. Hình ảnh của người mất tích chỉ hiện diện qua những mảnh kí ức bị gián đoạn của những người thân trong gia đình: cô con gái nhà văn, người con cả được bà yêu thương nhất, người chồng suốt cuộc đời mải mê trong những cuộc phiêu dạt khắp chốn cùng nơi để bà lại cùng bốn đứa con; và cuối cùng là “tâm tình” của chính người mất tích – nơi ẩn chứa những bí mật chỉ của riêng bà, đã không bao giờ được ngay chính người chồng và những đứa con của bà biết đến. Nhưng khi bà được “lên tiếng”, bà đã là người của thiên đường.

Cách kể chuyện từ ngôi thứ hai có lẽ đã góp phần tạo nên hiệu ứng về sự thiếu vắng nhức nhối trong toàn bộ câu chuyện, làm gia tăng cảm giác bất an và lo lắng của những đứa con khi lạc mất mẹ. Hình ảnh của người mẹ lúc ẩn lúc hiện trong hai không gian vừa song song vừa đan cài: một trong hiện tại – nhưng “đã mất”, một hiện diện – nhưng chỉ còn trong quá khứ – hồi ức; một nhỏ bé, lạc lõng trong mê lộ giữa lòng thành phố đồ sộ; một đầy mạnh mẽ, kiên cường, chan hòa tình yêu và nữ tính trong ngôi nhà nơi làng quê. Sự hiện diện theo cách đó chỉ càng gia tăng một thứ cảm giác lạc lõng, cô đơn và tiếc nuối.

Câu chuyện từ đầu đến cuối đều được kể bằng lời lẽ giản dị, chân phác nhưng càng đi theo càng bị dẫn vào một thế giới ngầm ẩn của tinh thần, của tâm trí và những miền tâm hồn xa xôi, sâu thẳm của con người. Ở đó, những ẩn dụ, biểu tượng không xa rời thế giới đời thường và những cảnh trí, đồ vật hiện diện xung quanh ta. Đó là một điểm độc đáo, sâu sắc thường gặp trong văn chương Shin Kyung-sook.

Đó còn là mạch ngầm của một dòng văn hóa từng gắn bó máu thịt: những khung cảnh thiên nhiên thấm đẫm sắc màu thắm tươi, những nếp sinh hoạt, những món ăn, những không gian sống… Nhưng giờ đây hồ như đang trở nên vắng bóng, “mất tích” giữa những con đường, cao ốc, ga tàu thành phố. Nơi người mẹ mất tích là một ga tàu lớn, nơi các chuyến tàu trở về, các chuyến tàu ra đi, nơi sự chuyển động là miên viễn, là một vòng xoay bất tận và vĩ đại. Đó là dòng chảy thao thiết của cuộc sống, khi con người đang dần lạc mất nhau, xa cách nhau từ tận gốc rễ tâm hồn. Đó cũng là sự lạc nhau giữa các thế hệ người Hàn Quốc, một hiện thực không chỉ đang diễn ra ở xứ sở Kim Chi.

Shin Kyung-sook là một thành viên của Thế hệ 386 (những người Nam Hàn sinh vào thập niên 60 của thế kỉ XX, cùng thời với các nhà văn như Gong Ji-young – sinh năm 1963, Kim Young-ha – sinh năm 1968)… Họ trưởng thành trong giai đoạn phong trào đấu tranh dân chủ tại Hàn Quốc ở đỉnh điểm. Vào thời điểm những tác phẩm của họ ra đời, Hàn Quốc đã là một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ ở Á Đông, tăng trưởng liên tục. Cùng với đó, văn hóa truyền thống đang bị lấn át, đe dọa và mất đi không gian để tồn tại. Hãy chăm sóc mẹ dựng lại một bức tranh sinh hoạt tươi thắm màu sắc thiên nhiên và không khí các làng quê vùng Nam Hàn. Nhưng ai cũng biết, sắc thắm đó đang phai tàn, sẽ bị màu sắc của bê tông và nhịp độ sống của thế giới hiện đại cuốn đi, chỉ còn hiện diện trong những vùng kí ức. Giống như người mẹ đi lạc kia, đã không biết đang ở nơi nào.

Hãy chăm sóc mẹ, bởi thế, không chỉ là câu chuyện gia đình về một bà mẹ đi lạc. Người mẹ – với sự xuất hiện trong một bầu sinh hoạt đậm chất truyền thống – có thể là đại diện cho ‘tính truyền thống’, và những đứa con đại diện cho ‘tính hiện đại’. Các giá trị này đôi khi bị đặt giữa hai thái cực ngược nhau, có quan hệ “máu mủ ruột rà” (jeong) nhưng luôn tìm cách thoát khỏi nhau, và rồi lạc mất nhau. Đến khi mất đi rồi có thể mới cảm nhận niềm tiếc nuối.

Khi đọc cuốn sách (của một tác giả xa lạ ở đâu đó trong thế giới ngoài kia), tôi không tránh khỏi cảm giác bóng dáng người mẹ của tôi thấp thoáng đâu đó (có lúc chồng lên hình ảnh người mẹ trong câu chuyện), thấy những góc khuất tâm hồn mình cũng ẩn hiện đâu đó giữa những trang sách. Hãy chăm sóc mẹ là một câu chuyện khơi gợi sự đồng cảm sâu xa và rộng lớn về những vẫn đề rất tương đồng giữa các quốc gia đang phát triển: gia đình, xung đột văn hóa, lạc lõng thế hệ và nỗi cô đơn của các bản thể không thể tìm được tiếng nói chung.

Tên sách: Hãy chăm sóc mẹ

Tác giả: Shin Kyung-sook

Nhã Nam phát hành

分享按钮完全免费

SPONSORED AD