Sách nói: Bài phát biểu của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp ở ĐH Stanford (2005)
Bài phát biểu của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp ở ĐH Stanford (2005)
1 - Diễn Văn Steve Jobs Tại Đại Học Stanford
Thể loại sách nói
Tác giả
Giới thiệu
Steve Jobs - một tượng đài công nghệ của thế giới. Những điều ông nói, những gì ông làm vẫn luôn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và không thể phai mờ. Sau đây là toàn văn bài diễn văn mà Steve Jobs phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở ĐH Stanford, USA. Trong đó câu nói "Stay hungry. Stay foolish" có lẽ là câu nói nổi tiếng nhất của ông...
Hãy luôn đam mê và hãy luôn dại khờ
Tôi rất vinh dự được gặp mặt các bạn trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp tại một trong những trường ĐH hàng đầu thế giới. Thú thực là, tôi chưa bao giờ tốt nghiệp Đại học. Đây là lúc tôi tiến gần nhất tới một buổi lễ tốt nghiệp. Hôm nay tôi muốn kể với các bạn ba câu chuyện trong cuộc đời tôi. Vậy thôi, không có gì nhiều. Chỉ là ba câu chuyện mà thôi.
Câu chuyện thứ nhất là về mối liên hệ giữa các sự kiện.
Tôi rời bỏ trường Reed sau 6 tháng đầu nhập học, nhưng sau đó tôi quay lại để học thêm 18 tháng nữa, hoặc có thể nói tôi học thêm trước khi thực sự rời trường. Vậy vì sao tôi bỏ học?
Chuyện bắt đầu từ trước khi tôi sinh ra. Mẹ đẻ sinh ra tôi vốn là một sinh viên trẻ chưa kết hôn, nên quyết định gửi tôi làm con nuôi. Bà tin chắc rằng tôi cần được người đã tốt nghiệp ĐH nuôi dưỡng, nên sắp đặt mọi chuyện để tôi được hai vợ chồng luật sư nhận nuôi ngay từ khi sinh ra. Tuy nhiên vào phút chót, khi tôi vừa ra đời, họ quyết định muốn có một bé gái. Vì thế cha mẹ nuôi tôi bây giờ, khi đó còn nằm trong danh sách dự kiến, nhận được một cú điện thoại vào lúc nửa đêm với lời đề nghị: “Chúng tôi có một bé trai mà không muốn nuôi, ông bà có muốn nhận cháu không?”. Họ trả lời: “Đương nhiên.” Mẹ đẻ tôi sau đó phát hiện ra mẹ tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học, và cha tôi còn chưa bao giờ tốt nghiệp trung học. Bà từ chối ký vào giấy nhận nuôi và chỉ đồng ý vài tháng sau đó, lúc cha mẹ tối hứa rằng một ngày nào đó tôi sẽ vào ĐH.
Đó là khởi đầu của cuộc đời tôi. 17 năm sau, tôi vào ĐH. Nhưng tôi đã ngây thơ chọn ngôi trường đắt đỏ gần như ĐH Stanford, và toàn bộ số tiền tiết kiệm của cha mẹ tôi, những người lao động, đã phải dành để trả tiền học phí. Sau 6 tháng, tôi thấy việc đó chẳng ích lợi gì. Tôi không biết tôi muốn làm gì trong cuộc đời, cũng như không hiểu trường ĐH sẽ giúp tôi như thế nào. Tại đó, tôi đã tiêu hết số tiền mà cha mẹ đã dành dụm cả đời. Nên tôi quyết định nghỉ học và tin tưởng rằng mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Đó thực sự là khoảng thời gian đáng sợ, nhưng khi nhìn lại, đó lại là một trong những quyết định sang suốt nhất của tôi. Ngay khi bỏ học, tôi bỏ luôn những môn học bắt buộc mà không thấy hứng thú, và bắt đầu học những môn có vẻ hay ho.
Mọi việc cũng ko tốt đẹp cho lắm. Tôi không được ở trong ký túc, nên phải ngủ trên sàn nhà của bạn bè. Tôi đổi vỏ chai nước ngọt lấy 5 cent để mua đồ ăn, và đi bộ 7 dặm qua thị trấn vào mỗi tối chủ nhật, để nhận 1 bữa ăn ngon mỗi tuần tại đền Hare Krishna. Và những va vấp trong khi theo đuổi niềm đam mê và thoả mãn trí tò mò, rất nhiều trong số đó sau này đã trở nên vô giá đối với tôi.
Để tôi kể cho các bạn một ví dụ: ĐH Reed khi đó có lẽ là trường dạy về nghệ thuật viết chữ tốt nhất ở Mỹ. Khắp khuôn viên trường là những tấm poster, biểu tượng, tranh vẽ với những dòng chữ viết tay tuyệt đẹp. Do đã bỏ học nên tôi không phải đến những lớp học thông thường, và tôi quyết định vào học lớp dạy viết chữ để tìm hiểu họ làm điều đó như thế nào. Tôi học về chân ký tự (Vạch ngang đầu ký tự - ND), các kiểu chữ san serif (chữ không chân - ND), về khoảng cách khác nhau giữa các chữ cái, và cách thiết kế ra những kiểu chữ tuyệt vời. Đây quả thực là một môn học đẹp đẽ, mang tính lịch sử và nghệ thuật mà khoa học không thể nào nắm bắt được. Chúng khiến tôi say mê.
Dường như những thứ này không có ứng dụng thực tế nào trong cuộc sống của tôi. Nhưng 10 năm sau, khi chúng tôi chế tạo chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, mọi thứ như trở lại với tôi. Và chúng tôi đưa toàn bộ vào máy Mac - đó là máy tính đầu tiên có các font chữ nghệ thuật. Nếu tôi chưa từng tham gia khoá học đó ở trường ĐH, máy Mac sẽ không bao giờ có nhiều kiểu chữ, hoặc có khoảng cách giữa các chữ cân xứng như vậy. Và có vẻ như sẽ không có máy tính cá nhân nào được trang bị điều đó (bởi sau này Windows chỉ sao chép lại của Mac). Nếu tôi chưa từng bỏ học, tôi sẽ không bao giờ tham gia lớp học dạy viết chữ đẹp, và máy tính cá nhân sẽ không có được các font chữ nghệ thuật như ngày nay. Đương nhiên tôi không thể liên hệ các sự kiện từ khi tôi còn học ĐH. Nhưng ở thời điểm 10 năm sau nhìn lại, mọi thứ thật dễ nhận ra.
Nhắc lại một lần nữa, chúng ta không thể kết nối các điểm mốc khi nhìn về tương lai, bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại quá khứ. Nên bạn hãy tin rằng các mốc sự kiện, dù thế nào chăng nữa, cũng sẽ liên kết nhau trong tương lai. Bạn phải có niềm tin vào một thứ gì đó. Đó có thể là lòng can đảm, định mệnh, cuộc sống hay bất cứ điều gì. Bởi tin rằng các mốc sự kiện sẽ liên kết thành con đường bạn đi, sẽ giúp bạn có đủ tự tin để theo đuổi những gì trái tim mách bảo, kể cả khi nó khiến bạn kiệt sức. Điều đó mới làm nên mọi sự khác biệt.
Câu chuyện thứ hai là về tình yêu và sự mất mát
Tôi may mắn khi sớm nhận ra những gì tôi yêu thích ngay từ khi còn trẻ. Khi tôi 20 tuổi, Woz (Steve Wozniak - ND) cùng tôi thành lập công ty Apple trong gara xe của cha mẹ tôi. Chúng tôi làm việc chăm chỉ, và trong 10 năm Apple đã lớn mạnh, từ chỗ chỉ có 2 nhà sáng lập trong gara, đến lúc trở thành một công ty trị giá 2 tỷ USD với 4000 nhân viên. Chúng tôi vừa mới phát hành sản phẩm đột phá nhất – máy Macintosh – một năm trước đó, và tôi mới bước sang tuổi 30. Rồi tôi bị sa thải. Làm sao bạn lại bị sa thải từ một công ty mà bạn sáng lập chứ?
Đó là khi Apple phát triển, chúng tôi thuê một người mà tôi nghĩ là đủ tài năng để điều hành công ty cùng mình, và trong khoảng một năm đầu tiên, mọi chuyện đã diễn ra tốt đẹp. Nhưng khi tầm nhìn về tương lai của chúng tôi bắt đầu chia rẽ thì chúng tôi thường xuyên cãi nhau. Khi đó, Hội đồng Quản trị đứng về phía anh ta. Nên ở tuổi 30, tôi đã ra đi. Đi một cách công khai. Những gì từng quan trọng trong cả đời tôi đã biến mất, chúng đã bị phá huỷ.
Trong vài tháng, tôi không biết mình phải làm gì. Tôi cảm thấy như mình đã khiến các thế hệ doanh nghiệp trước đó phải thất vọng; và rằng, mình đã đánh rơi mất cây gậy của cuộc chơi khi người ta vừa trao nó cho mình. Tôi gặp David Packard và Bob Noyce, cố gắng xin lỗi họ vì đã làm mọi chuyện trở nên tồi tệ. Bản thân tôi là một thất bại lớn, và tôi thậm chí còn nghĩ tới việc rời khỏi thung lũng. Nhưng có điều gì đó bắt đầu loé lên trong trí óc tôi – đó là tôi vẫn yêu những gì tôi làm. Bước ngoặt tại Apple không làm thay đổi điều đó một tẹo nào (chính xác Steve Jobs dung cách chơi chữ “Bước ngoặt tại Apple không làm thay đổi điều đó một bit nào” - ND). Tôi bị cự tuyệt, nhưng tôi vẫn yêu mọi thứ. Vì vậy tôi quyết định bắt đầu lại từ đầu.
Khi đó tôi không nhận ra rằng, hoá ra việc bị Apple bị sa thải lại là việc tốt nhất tôi từng có. Thay thế cho áp lực buộc phải thành công là tinh thần nhẹ nhõm khi bắt đầu lại từ đầu và không còn chắc chắn về mọi thứ. Nó giải phóng tôi để từ đó tôi bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất của cuộc đời.
Trong vòng 5 năm tiếp theo, tôi thành lập NeXT và một công ty khác tên là Pixar, rồi phải lòng một phụ nữ tuyệt vời, người mà trở thành vợ tôi sau này. Pixar tạo ra bộ phim hoạt hình từ đồ hoạ máy tính đầu tiên trên thế giới - Toy Story - và hiện nay là hãng phim hoạt hình thành công nhất thế giới. Ở bước ngoặt đáng nhớ này, Apple mua lại NeXT, và tôi trở lại Apple. Những công nghệ mà chúng tôi đã phát triển ở NeXT giờ đây là trái tim trong công cuộc phục hưng Apple. Còn tôi và Laurene cũng có một gia đình tuyệt vời.
Tôi tin chắc rằng những điều trên sẽ không xảy ra nếu tôi không bị sa thải khỏi Apple. Đó là một liều thuốc đắng nghét, nhưng tôi nghĩ người bệnh sẽ cần nó. Đôi khi cuộc sống sẽ đánh vào đầu bạn bằng một viên gạch, nhưng đừng đánh mất niềm tin. Tôi nhận ra rằng điều duy nhất khiến tôi tiếp tục, đó là tôi yêu quý những gì tôi làm. Bạn sẽ tìm ra điều bạn thực sự đam mê. Điều này đúng cho công việc cũng như cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc sẽ chiếm phần lớn cuộc đời bạn, và cách duy nhất để thực sự hài lòng với bản thân, là coi những điều bạn tin tưởng là công việc vĩ đại. Và cách duy nhất để làm một công việc vĩ đại là yêu những gì bạn làm. Nếu bạn chưa nhận ra, hãy tiếp tục tìm kiếm nó, không ngừng nghỉ. Khi thực hiện bằng tất cả trái tim mình, bạn sẽ biết khi nào tìm được nó. Và giống như mọi mối quan hệ trong cuộc sống, nó sẽ ngày càng tốt đẹp hơn theo thời gian. Vậy nên bạn hãy tiếp tục, đừng bao giờ dừng lại.
Câu chuyện thứ ba là về cái chết.
Năm 17 tuổi, tôi đã đọc ở đâu đó rằng: “Nếu mỗi ngày đều sống như thể đó là ngày cuối cùng trong cuộc đời, một ngày nào đó bạn sẽ đúng.” Điều đó gây ấn tượng với tôi, và kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, tôi nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc đời, mình có muốn làm những gì mình dự định làm hôm nay?” Và bất cứ khi nào câu trả lời là “Không” kéo dài trong nhiều ngày, tôi biết rằng tôi cần thay đổi.
Luôn nghĩ rằng mình sẽ chết sớm là điều quan trọng nhất giúp tôi có những quyết định quan trọng trong cuộc đời. Bởi hầu hết mọi thứ - từ những dự định, lòng tự hào cho đến nỗi sợ hãi trước tủi hổ hoặc thất vọng – tất cả sẽ biến mất khi bạn đối mặt với cái chết, và chỉ còn lại điều gì thực sự quan trọng. Luôn nghĩ rằng mình sắp chết, đó là cách tốt nhất mà tôi được biết để tránh rơi vào bẫy với ý nghĩ mình sẽ mất điều gì đó. Bạn hoàn toàn không có gì. Nên chẳng có lý do gì bạn lại không nghe theo lời trái tim mách bảo.
Khoảng 1 năm trước tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Tôi được chụp cắt lớp lúc 7h30 sáng, và nhìn thấy rõ một khối u trong tuyến tuỵ. Tôi thậm chí còn chẳng biết tuyến tuỵ là cái gì. Bác sĩ bảo với tôi, đây gần như chắc chắn là một loại ung thư không thể chữa được, và tôi chỉ hy vọng sống được thêm từ 3 đến 6 tháng nữa. Ông khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại công việc, theo những chỉ định của bác sĩ để chuẩn bị cho cái chết. Nghĩa là chỉ trong vài tháng, phải cố gắng trò chuyện với bọn trẻ về tất cả những gì tôi định nói với chúng trong vòng 10 năm tới. Nghĩa là đảm bảo rằng mọi chuyện đã đâu vào đấy, để gia đình bạn cảm thấy thanh thản nhất có thể. Có nghĩa là nói lời tạm biệt.
Tôi sống với căn bệnh đó suốt cả ngày. Một buổi tối tôi được kiểm tra sinh thiết. Họ luồn 1 ống nội soi qua cổ họng tôi, xuống dạ dày và vào ruột, rồi đặt 1 cây kim vào tuyến tuỵ để lấy mẫu tế bào khối u. Tôi giữ thái độ bình thản, nhưng vợ tôi cũng có mặt ở đó kể lại rằng, khi bác sĩ xem xét mẫu tế bào dưới kính hiển vi, họ reo lên khi hoá ra đây là dạng ung thư tuyến tuỵ rất hiếm hoi mà có thể chữa được bằng phẫu thuật. Tôi đã được phẫu thuật, và ơn Chúa, bây giờ tôi đã khoẻ.
Đó là lần gần đây nhất tôi phải đối mặt với cái chết, và tôi hy vọng đó là lần gần nhất trong vòng vài thập kỷ nữa. Đã trải qua những điều đó, tôi có thể nói, với một chút chắc chắn, rằng cái chết là một khái niệm hữu ích và hoàn toàn mang tính trí tuệ:
Không ai muốn chết. Ngay cả những người muốn được lên thiên đường, cũng không muốn phải chết để tới đó. Nhưng cái chết là đích đến mà tất cả chúng ta đều phải tới. Chưa ai từng thoát khỏi nó. Và nên là như thế, bởi vì Cái Chết có lẽ là phát minh tuyệt vời nhất của Sự Sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ cái cũ để mở đường cho cái mới. Bây giờ cái mới là bạn, nhưng một ngày nào đó không xa, bạn sẽ trở nên cũ kỹ và bị loại bỏ. Xin lỗi vì đã nói thẳng nhưng điều đó là sự thật.
Thời gian của bạn có hạn, nên đừng lãng phí thời gian sống cuộc đời của người khác. Đừng bị mắc kẹt trong những giáo điều, đó là sống chung với kết quả của những suy nghĩ của người khác. Đừng để những quan điểm của người khác gây nhiễu và lấn át tiếng nói từ bên trong bạn. Điều quan trọng nhất là có can đảm để theo trái tim và trực giác của mình. Chúng biết bạn thực sự muốn trở thành gì. Mọi thứ khác đều chỉ là thứ yếu.
Khi còn trẻ, tôi thấy một ấn bản rất thú vị là cuốn Cẩm nang thế giới (The Whole Earth Catalog), một trong những cuốn sách thuộc hàng “kinh thánh” của thế hệ tôi. Nó được một đồng nghiệp của tôi là Stewart Brand tạo ra. Stewart sống ở công viên Menlo không xa đây, và anh ta đưa ấn phẩm đó vào cuộc sống bằng cảm hứng nên thơ của mình. Đó là vào cuối thập kỷ 60, trước khi máy tính cá nhân và desktop ra đời, nên nó hoàn toàn được soạn bằng máy đánh chữ, kéo và máy ảnh polaroid. Nó là một dạng kiểu như Google trên mặt giấy. Ở thời điểm 35 năm trước khi Google ra đời, nó rất lý tưởng, chứa đầy những hình minh hoạ trang nhã cùng những tri thức vĩ đại.
Stewart và nhóm của ông đã đưa ra một số ấn bản thuộc Cẩm nang Thế giới, rồi sau đó khi nó được đưa vào hoạt động, họ tung ra ấn bản cuối cùng. Đó là vào giữa những năm 1970, khi tôi bằng tuổi các bạn bây giờ. Trên bìa sau của cuốn sách là bức ảnh một con đường nông thôn trong ánh bình minh, một nơi bạn có thể tạm trú khi bạn đang trên đường phiêu lưu. Bên dưới là dòng chữ “Hãy cứ đói khát và dại dột”. Đó là lời nhắn nhủ lúc chia tay thay cho chữ ký của họ. Hãy cứ đói khát và dại dột. Tôi luôn chúc điều đó cho chính mình. Và giờ đây, khi các bạn tốt nghiệp để bắt đầu một chặng đường mới, tôi cầu chúc điều đó cho các bạn.
Hãy luôn khát khao và hãy luôn dại khờ.
Cảm ơn tất cả các bạn. Steve Jobs
Đừng quên chia sẻ với bạn bè nếu bạn thích nội dung này.