Vấn đề có thực sự là mất bao lâu để phân huỷ?

4/18/2019

Vấn đề có thực sự là mất bao lâu để phân huỷ?

Như Ngô — Manager VSS Hoian avatar
Như Ngô — Manager VSS Hoian

“Nhựa mất mấy trăm năm để phân hủy, chứ đá đến ngàn năm vạn năm cũng chẳng phân hủy được. Nhựa bỏ ra còn có người thu gom, thủy tinh không ai gom. Thế thì nhựa có gì mà độc hại hơn?” Đúng thế. Đá không bao giờ phân hủy. Kim loại và thủy tinh cũng vậy. Và cả gốm. Vấn đề không phải là thời gian phân hủy. Vấn đề là nó ĐẾN TỪ ĐÂU và ĐI VỀ ĐÂU. Nói cho rõ hơn thì chúng ta cần nhìn ra tác động môi trường ở các giai đoạn: 1 - Sản Xuất 2 - Tiêu Dùng 3 - Sau Tiêu Dùng. Đẽo đá, mài đá, nặn gốm, thổi thủy tinh, làm đồ gỗ thủ công quy mô nhỏ, dùng sức người và công cụ đơn giản, nguyên liệu gần nơi sản xuất, cung cấp cho những vùng kế cận thì tiêu tốn ít năng lượng dầu mỏ (không tái tạo và đang cạn dần) hơn so với sản xuất công nghiệp quy mô lớn, vận chuyển từ một nơi này trên địa cầu đến một nơi khác ở tận phía bên kia. Nhựa chỉ có thể được sản xuất số lượng lớn. Nó có nguồn gốc từ dầu mỏ và cao su được canh tác độc canh, phá hủy hệ sinh thái. Một trăm năm trước, khi chưa có nhựa, con người vẫn dùng gỗ, đá, kim loại, gốm, thủy tinh để chế tạo những vật dụng hàng ngày. Khi ấy, khái niệm “dùng một lần” chắc lạ lẫm và kì quặc lắm. Chẳng ai lại đi vứt một cái đĩa bằng gỗ, đá, gốm, kim loại, hay thủy tinh chỉ sau một lần dùng. Mọi thứ được làm ra với suy nghĩ “dùng được càng lâu càng tốt”. Nhưng giờ đây, một vật liệu có những đặc tính tuyệt vời như nhựa (nhẹ, bền, dẻo, dai, dễ dát mỏng, trong suốt, không thấm nước…) lại được dùng để làm ra những món đồ dùng-một-lần như túi nilon, chai nước, li và hộp đồ ăn thức uống mang đi… Vật liệu nhựa không có gì sai, cái sai là thói quen tiêu dùng thiếu trách nhiệm của chúng ta. Và như vậy vấn đề rác thải nhựa có thể được giải quyết bằng cách thay đổi là hành vi tiêu dùng, bằng cách chữa bệnh dùng-một-lần, từ chối và tiết giảm thứ không cần thiết, tái sử dụng nhiều lần nhất có thể, tái chế để dùng lại, và trả lại cho đất thứ đất có thể một cách chậm rãi tiêu hóa được. Cuối cùng, mặt hại lớn nhất của nhựa là cái nó trở thành sau khi chúng ta thải ra nó. Thủy tinh tan ra thành cát, gốm tan lại vào đất — còn nhựa? Nhựa tan ra thành hạt vi nhựa. Những cái hạt nhựa tí ti đó mang trong mình nhiều chất độc hại được thêm vào khi sản xuất như BPA — làm trong suốt, gây ảnh hưởng đến hormone; DEHP — làm dẻo dai, có khả năng gây ung thư… Phần lớn rác nhựa tập trung ở biển. Dưới tác động của ánh nắng mặt trời và nhiệt độ, những thứ rác này có thể phân rã thành vi nhựa trong thời gian chỉ một năm, sau đó lần theo chuỗi thức ăn chui lại vào bụng con người. Chúng ta không thể mong chờ một tương lai khác đi nếu cứ tiếp tục những thói quen tiêu dùng cũ. Tìm thứ thay thế nhựa không phải là cách, thay đổi hành vi mới là giải pháp.

Кнопка 'Поделиться' полностью бесплатна

SPONSORED AD