Bàn về mục đích đọc sách

3/3/2020

Bàn về mục đích đọc sách

Võ Duy Tuấn avatar
Võ Duy Tuấn

Sáng nay khí trời mát mẻ, lại là dịp đầu tháng nên kiếm một đề tài nhẹ nhàng và gần gũi để viết trong thời gian chờ anh em đồng nghiệp vào làm. Mình định viết về đề tài sách cũng khá lâu nhưng chưa biết bắt đầu thế nào, chợt nhớ đến cách đây ít lâu có đọc một bài blog về việc nếu chúng ta ngưng sử dụng các mạng xã hội (facebook, twitter,..) thì có thể dành thời gian đó đọc khoảng 200 cuốn sách trong một năm. Wow!!!

Nếu đọc những bình luận của bài viết đó, cũng như bình luận từ những trang dẫn link (VD: Reddit, Hackernews..) thì thấy có nhiều luồng bình luận, đại khái là có 2 nhóm chính xoáy vào việc tác dụng của việc đọc sách là đọc nhiều cũng chả có tác dụng gì và một nhóm là đọc có tác dụng. Tất nhiên, mình ủng hộ nhóm đọc sách có tác dụng và đọc càng nhiều càng có tác dụng nhiều. Chẳng thế mà Warren Buffer đọc mỗi ngày 800 trang, Bill Gates mỗi năm đọc hơn 50 cuốn.

Trong bài này, mình sẽ chia sẻ về mục đích của việc đọc sách và giúp các bạn không bị lạc lối trong đống sách. Như hầu hết chúng ta đã được “dạy dỗ”, mục đích đọc sách từ khi học lớp 1 đến tốt nghiệp đại học (hoặc cao học) là đọc sách giúp tăng khả năng thi đậu và lấy lòng bạn bè, thầy cô, giáo sư. Không thể phủ nhận là cho đến ngày nay, một vài kiến thức trong sách giáo khoa đang nằm trong tiềm thức của bạn đôi khi “hiện” về giúp bạn một số tình huống nào đó mà bạn ít ngờ được.

Khi mình dùng từ sách, các bạn có thể hiểu là mình đang đề cập đến những ấn phẩm để đọc, in thành nhiều trang và đóng thành tập như sách, truyện, manga, comic, tạp chí, sách tranh…

Nhìn chung, mình phân loại mục đích của việc đọc sách thành 3 mục đích chính:

  • Đọc sách để giải trí

  • Đọc sách để học hỏi

  • Đọc sách để làm kinh tế

Đọc sách để giải trí

Đây là mục đích dễ dàng nhận thấy được khi các bạn đọc các sách văn học như truyện ngắn, tiểu thuyết…mục đích là giải trí nên đọc thể loại này không chú trọng vào kiến thức thu gặt được mà chú trọng vào cảm xúc, mô tả không gian được tác giả dựng lên, từ không gian kì ảo trong các truyện thần tiên, không gian bí ẩn trong các thể loại kinh dị, trinh thám hay không gian đời thường như các truyện ngôn tình hiện đại…

Chính vì mục đích giải trí nên nhiều nhà-đọc-sách-thượng-đẳng thường chỉ trích, chê bai các bạn thích đọc văn học, tiểu thuyết. Tuy nhiên, có thể họ chưa đọc thử hoặc không có thời gian để đọc thể loại sách này. Nếu đọc sách sẽ thấy những bộ phim chuyển thể từ sách ít khi nào hay bằng sách. Bởi đọc sách truyện mô tả, buộc bạn phải duy trì một khối lượng trí nhớ gần như là dài hạn cho toàn bộ nhân vật, kèm theo đó là lưu giữ được mạch truyện.

Bên cạnh đó, một kỹ năng mà mình đánh giá cao nhất là khả năng tưởng tượng không gian, bối cảnh cho các tình tiết trong sách. Mình có đọc một cuốn sách có đề cập đến một nghiên cứu cho thấy những người có khả năng hình dung, tưởng tượng được một hình học không gian thì có khả năng tư duy logic tốt hơn và khuyến khích trẻ em, thanh thiếu niên tiếp cận để phát triển khả năng tượng hình.

Ngoài ra, có nhiều sách là truyện ngắn, tiểu thuyết đọc thấy ly kì nhưng lại đem lại cho bạn nhiều kiến thức về vùng miền, lĩnh vực mà ngữ cảnh cuốn sách mang lại như những câu chuyện về du lịch, trinh thám công nghệ…

Do đó, đừng xem thường những cuốn sách viết ra với mục đích giải trí, đôi khi tác dụng nó mang lại thấm sâu hơn vào tiềm thức mà bạn không hề biết được.

Đọc sách để học hỏi

Đây là mục đích mà nhiều người-đọc-sách và người-không-đọc-sách nghĩ tới thường xuyên cho việc đọc sách. Và cũng chính mục đích này dẫn đến không biết bao nhiêu tranh cãi về tác dụng của đọc nhiều sách. Nguyên nhân sâu xa của việc tranh cãi này nằm ở việc chúng ta đánh đồng và nhầm lẫn giữa việc đọc, hiểu và nhớ. Họ (những người chỉ trích) nói rằng đọc nhiều sách mà không nhớ, không hiểu gì hết thì thà khỏi đọc cho rồi vì đọc xong có nhớ gì đâu.

Bản thân hành động đọc sách là một hành động đơn thuần, dùng mắt, miệng để đưa câu chữ chạy qua não và hy vọng những con chữ này lưu lại ở não càng lâu càng tốt (gọi là nhớ) và biết được cách sử dụng, ý nghĩa của những câu chữ chạy qua (gọi là hiểu). Bạn có nhớ ngày xưa mình học thuộc lòng bảng cửu chương thế nào chứ và ngày nay vẫn dùng?

Nếu không nhớ, không hiểu thì coi như là không đọc là một quan điểm sai lầm của nhiều cán-bộ-lão-thành-bận-mưu-sinh, bởi vì ngoài việc lưu vào tiềm thức, nó sẽ thúc đẩy thay đổi hành động mỗi ngày. Không tin bạn có thể thử vào nhà sách tìm 10 cuốn sách về tình yêu mà đọc, đảm bảo bạn sẽ ngọt ngào hơn. Hoặc kiếm những thể loại truyện kinh dị, chém giết đẫm máu mà đọc, đảm bảo não bạn sẽ hoạt động hết công suất. Và kể cả nó cũng ảnh hưởng vào giấc mơ đấy, thử đi. Đây chính là tác dụng đọc sách ảnh hưởng tiềm thức.

Các bạn có thể nói lĩnh vực tiềm thức là một lĩnh vực bí ẩn, chưa khám phá kỹ nên mình lấy ví dụ khác cho việc đọc rồi quên mà đem lại tác dụng. Đây là lý do chính mà mình thích đọc nhiều sách, chính là vén bức màn ngu dốt. Có một nghịch lý kỳ lạ là con người càng ít đọc (ít học) thì lại càng thấy mình ít ngu dốt hơn những người đọc nhiều (học nhiều) !!!. Càng đọc càng thấy mình ngu dốt. Đấy chính là tư tưởng của hiệu ứng Dunning–Kruger mà mình có một bài viết cách đây 10 năm.

Việc đọc nhiều sách không phải chỉ để nhớ, học thuộc lòng, hiểu tường tận mà đôi khi đơn giản chỉ là đễ bớt ngu về một thứ gì đó, như là những địa danh ở Nhật hoặc những kiến thức trong ngành y học, vật lý học… mà nếu không đọc thì cả đời cũng không nghĩ là có những cái như vậy.

Một khi bức màn ngu muội của bạn được vén ra ngày một nhiều, mà mình hay nói là bức màn vô minh của mình ngày càng được vén ra thì mình nhìn mọi thứ với con mắt thông cảm và dễ hiểu hơn và lại thích đọc ngấu nghiến hơn nữa. Do đó, đừng nghe ai nói là đọc sách nhiều không có tác dụng, đó là lời khuyên từ những người không bao giờ đọc sách và cảm thấy ganh tỵ với những người có thời gian đọc sách và ngày càng bớt ngu muội.

Đọc để làm kinh tế

Đây là nhóm nhỏ, nhưng không kém phần quan trọng. Có một số ngành nghề kiếm tiền trực tiếp từ việc đọc sách. Nhưng nhóm đọc để làm kinh tế mình nói đến là những người đọc sách rồi “thông báo” lên Facebook, Twitter…PR, lấy chút danh tiếng từ cộng đồng. Thực ra bạn đọc sách hay, khoe lên mạng để người khác biết là việc bình thường (mình cũng hay khoe lên Facebook kiếm vài xu nổi tiếng mà).

Mình vẫn luôn đánh giá cao những người khoe sách lên mạng xã hội bất kể bạn có đọc cuốn sách đó hay chưa. So với những người suốt ngày khoe điện thoại, quần áo, xe cộ, gái gú…thì khoe sách vẫn tốt hơn nhé. Hãy khoe khi còn có thể, ít ra bạn cũng đã mua sách, có công suy tư về sách và suy tư cho cộng đồng, giúp sách đi xa hơn đến mọi người.

Như vậy, thông qua bài này mình đã chia sẻ những góc nhìn cá nhân về việc đọc sách và đọc nhiều sách. Bản thân mình đặt mục tiêu năm nay sẽ đọc 100 cuốn nên sẽ cố gắng nhiều hơn trong việc cân bằng cuộc sống, công việc và…đọc sách. Nếu bài viết có phần đụng chạm đến những anh hùng không cần đọc sách vẫn giỏi và hết vô minh thì cho mình tạ lỗi. Bài tiếp theo sẽ bàn về mua sách, Tuấn sẽ chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân trong việc lựa chọn và mua sách thế nào.

Кнопка 'Поделиться' полностью бесплатна

SPONSORED AD